(Giả thuyết về sự tuyệt chủng của khủng long tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Anh)
Bài viết này tập trung vào các khía cạnh kỹ thuật trong viết đề tài khoa học chuẩn mực (có thể dùng trong nuớc và quốc tế). Thông thuờng viết hồ sơ đề tài khoa học có các bước cơ bản như sau:
- Xác định chủ đề nghiên cứu
- Xác định tính phù hợp và cấp thiết
- Tìm tổ chức tài trợ kinh phí
- Xác định nhóm nghiên cứu
- Lập kế hoạch đề tài
- Xây dựng khung cấu trúc đề tài
- Viết thuyết minh
- Sửa chữa thuyết minh
- Nộp hồ sơ đề tài/dự án khoa học
Nội dung cụ thể của các buớc như sau:
- Xác định chủ đề nghiên cứu
Điều quan trọng đầu tiên trong xây dựng một hồ sơ nghiên cứu khoa học là xác định chủ đề nghiên cứu. Chủ đề này cần độc đáo, của riêng mình không nên chạy theo vấn đề thời sự quá mới, chưa nắm bắt được hướng nghiên cứu dài hạn. Hơn nữa, cần khu trú nội dung chủ đề: rộng hay hẹp và cụ thể rộng hẹp như thế nào. Cuối cùng, cần xác định chiến lược nghiên cứu cụ thể để thực hiện lâu dài: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng hay triển khai.
- Xác định tính phù hợp và cấp thiết
Để xác định tính phù hợp và cấp thiết, cần phải đọc tất cả các tài liệu tham khảo liên quan cũng như đi tìm hiểu thực tiễn, rồi khái quát, tổng quan lại vấn đề nghiên cứu. Sau đó, xác định những vấn đề chưa được giải quyết và trình bày rõ ràng những vấn đề cần phải giải quyết. Vấn đề cần giải quyết phải thể hiện rõ tính mới, tính phù hợp và đưa ra được kết quả dự kiến.
- Tìm tổ chức tài trợ kinh phí
Kinh phí là phần không thể tách rời, rất cần thiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là các khoa học thực nghiệm. Cần sớm tìm hiểu và lựa chọn các tổ chức tài trợ kinh phí phù hợp cho đề tài, phù hợp với chủ đề nghiên cứu đã được xác định. Có 3 tiêu chí để lựa chọn: lĩnh vực tài trợ, mức tiền tài trợ tối đa và thời gian tài trợ cho một đề tài.
- Xác định nhóm nghiên cứu
Xây dựng đội ngũ cộng tác viên cho đề tài là yếu tố quyết định đến thành công của đề tài. Cần tìm hiểu các lĩnh vực chuyên môn của cộng tác viên phù hợp với nội dung nghiên cứu. Năng lực chuyên môn ở đây được đánh giá theo các tiêu chí: chất lượng nghiên cứu của cộng tác viên, kinh nghiệm liên quan trước đây,…
- Lập kế hoạch đề tài
Trước khi viết một thuyết minh đề tài, dự án, việc lập kế hoạch đề tài là rất quan trọng. Đây chính là bước làm rõ mục tiêu đề tài, đưa ra giả thuyết khoa học xác đáng. Sau đó chủ nhiệm đề tài cần thảo luận các nội dung nghiên cứu với các cộng tác viên. Có một số chiến lược thảo luận khác nhau trong lập kế hoạch đề tài, bao gồm: “Brain storm”, ‘Mind map”, SWOT, và “Logframe”.
- Xây dựng khung cấu trúc đề tài
– Cấu trúc một thuyết minh đề tài thường gồm các phần sau:
- Tên đề tài
- Danh sách chủ nhiệm đề tài và cộng tác viên
- Lĩnh vực nghiên cứu
- Tóm tắt đề tài
- Từ khóa
- Tổng quan
- Trình bày vấn đề
- Mục tiêu
- Phương pháp nghiên cứu
- Kết quả dự kiến
- Nhu cầu nguồn lực
- Kế hoạch triển khai
- Dự toán kinh phí
- Tài liệu tham khảo
- Kí tên
- Phụ lục
– Khi viết thuyết minh, có một số lưu ý mà chúng ta thường không để ý nhưng rất dễ mắc sai lầm như:
+ Tên đề tài: ngắn gọn nhất có thể (<20 từ), có thông tin: mô tả chính xác nội dung, mô tả cụ thể đối tượng, lược bỏ động từ, dễ hiểu, dễ trích dẫn.
+ Tóm tắt đề tài: ngắn gọn (150-200 từ), có thể đứng độc lập với đề tài (mang đầy đủ thông tin quan trọng nhất, không cần chú giải), có chứa các từ khóa, trình bày những kết quả mới, ý nghĩa nổi bật của đề tài.
- Viết thuyết minh
Thuyết minh là phần quan trọng nhất trong hồ sơ đề tài để gửi cho tổ chức tài trợ kinh phí. Do vậy, khâu viết thuyết minh cần phải đầu tư nhiều thời gian, trí tuệ và công sức với kỹ năng viết văn phong khoa học thành thạo. Một số lưu ý chính khi viết thuyết minh:
– Trước khi viết cần đọc đầy đủ các tài liệu tham khảo!
– Lựa chọn phương cách giao tiếp, xưng hô phù hợp
– Viết theo một trình tự logic được xác định trước
– Trình bày rõ ràng, chính xác và đầy đủ nội dung của vấn đề
– Kiểm tra lại tính chính xác của thông tin đưa vào
– Trình bày thẳng vào vấn đề, không vòng vo, sau đó bám sát vào vấn đề để triển khai luận ý
– Chỉ trích dẫn những tài liệu phù hợp và cần thiết
– Chỉ minh họa bằng các hình và bảng phù hợp
– Sử dụng cách viết tắt và đơn vị đo lường chuẩn quốc tế
- Sửa chữa thuyết minh
Sau khi hoàn thành việc viết thuyết minh thì khâu sửa chữa cũng rất cần thiết. Cần gửi bản thuyết minh cho tất cả cộng tác viên của đề tài để lấy ý kiến sửa chữa. Sau khi sửa xong phần nội dung, cần kiểm tra lỗi chính tả, văn phong và định dạng văn bản chuẩn mực, theo hướng dẫn của mẫu thuyết minh.
- Nộp hồ sơ đề tài/dự án khoa học
Hồ sơ đề tài bao gồm bản thuyết minh và một số văn bản khác tùy theo biểu mẫu của tổ chức tài trợ kinh phí như: lý lịch của chủ nhiệm đề tài và các cộng tác viên, đơn đăng ký chủ trì thực hiện đề tài, tóm tắt hoạt động KH&CN của tổ chức đăng ký chủ trì đề tài, văn bản xác nhận về sự đồng ý của các tổ chức đăng ký phối hợp nghiên cứu… Sau khi hoàn thành lập hồ sơ, nhất thiết phải kiểm tra đầy đủ chữ ký và con dấu xác nhận (nếu cần) rồi gửi đến nơi nhận hồ sơ trong thời hạn quy định. Tốt nhất nên nộp hồ sơ đề tài trước 1 tuần so với thời điểm kết thúc nhận hồ sơ.
Xem thêm: Cách viết hồ sơ một đề tài khoa học. Phần 2: Xây dựng thuyết minh
One thought on “Cách viết hồ sơ một đề tài khoa học. Phần 1: Các buớc cơ bản”